Bản Vẽ Hoàn Công Là Gì & Quy Định Nhà Nước Về BVHC

Bản vẽ hoàn công là gì?

Bản vẽ hoàn công là bản vẽ thể hiện tình trạng thực tế của ngôi nhà sau khi xây, trong đó cho thấy kích thức trên thực tế so với kích thước bản thiết kế. Như vậy bản vẽ hoàn công phản ánh những thay đổi của công trình so với thiết kế ban đầu & cũng bao gồm các hạng mục chi tiết giống như bản vẽ gốc.

Vì sao cần lập bản vẽ hoàn công?

Do bản vẽ hoàn công thể hiện các chi tiết và kích thước thực tế xây dựng, nên có vai trò quan trọng giúp chủ nhà nắm được tình trạng, vị trí chính xác của các hạng mục khi sửa chữa, bảo trì ngôi nhà. Đây cũng là giấy tờ cần thiết cho thủ tục hoàn công để hoàn tất thanh toán cho nhà thầu.

Về mặt pháp lý, bản vẽ này là cơ sở giúp cơ quan Nhà nước xác định xem chủ nhà có làm đúng theo giấy phép xây dựng hay không.

>> Xem thêm: Mẫu dấu bản vẽ hoàn công

Bản vẽ hoàn công khác bản vẽ thiết kế như thế nào?

Nếu công trình thi công theo đúng bản vẽ gốc và không có gì thay đổi, có thể sử dụng chính bản thiết kế ban đầu làm bản vẽ hoàn công. Khi có sự điều chỉnh về kích thước, thiết kế mới cần lập bản vẽ mới.

Trong bản vẽ hoàn công cần có dấu xác nhận và chữ ký của các bên có trách nhiệm, bao gồm người lập bản vẽ, chủ đầu tư, đơn vị thi công, người giám sát thi công.

Đơn vị thi công có trách nhiệm đóng dấu hoàn công vào bản vẽ.

bản vẽ hoàn công và quy định nhà nước

Mẫu bản vẽ hoàn công

Mẫu bản vẽ hoàn công có thể được trình bày trên khổ giấy lớn chia thành nhiều phần thể hiện các hạng mục khác nhau, hoặc đóng thành tập A4 với mỗi trang thể hiện một hạng mục.

Một số quy định của Nhà nước về Bản vẽ hoàn công (trích Thông tư 26/2016/TT-BXD)

Một số quy định của Nhà nước về Bản vẽ hoàn công và việc lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình trích trong [Thông tư 26/2016/TT-BXD]: Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng & bảo trì công trình xây dựng của Bộ Xây dựng…

(Trích)

Điều 11. Bản vẽ hoàn công

1. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành do mình thi công. Riêng các bộ phận công trình bị che khuất phải được lập bản vẽ hoàn công hoặc được đo đạc xác định kích thước, thông số thực tế trước khi tiến hành công việc tiếp theo.

2. Đối với trường hợp nhà thầu liên danh thì từng thành viên trong liên danh có trách nhiệm lập bản vẽ hoàn công phần việc do mình thực hiện, không được ủy quyền cho thành viên khác trong liên danh thực hiện.

3. Việc lập và xác nhận bản vẽ hoàn công được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục II Thông tư này.

 

Điều 12. Quy định về lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình và hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì công trình

1. Chủ đầu tư tổ chức lập và lưu trữ hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng trước khi tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào khai thác, sử dụng theo danh mục quy định tại Phụ lục III Thông tư này. Các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng công trình lập và lưu trữ hồ sơ đối với phần việc do mình thực hiện. Trường hợp không có bản gốc thì được thay thế bằng bản chính hoặc bản sao hợp pháp.

2. Thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu là 10 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm A, 7 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm B và 5 năm đối với công trình thuộc dự án nhóm C kể từ khi đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.

3. Chủ đầu tư tổ chức lập một bộ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định tại Phụ lục IV Thông tư này, bàn giao cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ này trong suốt quá trình khai thác, sử dụng công trình.

 4. Trường hợp đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng từng phần thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ hoàn thành công trình và hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì công trình đối với phần công trình được đưa vào sử dụng.

5. Hồ sơ nộp vào Lưu trữ lịch sử của công trình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👈