Để xây dựng nhà, công trình, dự án xây dựng hầu hết các trường hợp chủ đầu tư phải xin giấy phép xây dựng. Giấy phép xây dựng nhằm đảm bảo công trình được xây dựng đúng theo quy hoạch, tiêu chuẩn của pháp luật quy định. Vậy theo quy định pháp luật mà cụ thể ở đây là Luật Xây dựng 2014 thì giấy phép giấy dựng là gì? Những nội dung nào cần quan tâm về giấy phép xây dựng?
1. Khái niệm
Căn cứ Khoản 17 Điều 3 Luật xây dựng 2014 thì:
Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
2. Phân loại:
Giấy phép xây dựng bao gồm: Giấy phép xây dựng có thời hạn và giấy phép xây dựng theo giai đoạn
+ Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng cấp cho xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.
+ Giấy phép xây dựng theo giai đoạn là giấy phép xây dựng cấp cho từng phần của công trình hoặc từng công trình của dự án khi thiết kế xây dựng của công trình hoặc của dự án chưa được thực hiện xong.
3. Nội dung của giấy phép xây dựng
Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng
– Tên công trình thuộc dự án.
– Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
– Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
– Loại, cấp công trình xây dựng.
– Cốt xây dựng công trình.
– Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
– Mật độ xây dựng (nếu có).
– Hệ số sử dụng đất (nếu có).
– Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 90 Luật xây dựng còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
4. Điều chỉnh giấy phép
Khi có nhu cầu điều chỉnh thiết kế kiến trúc xây dựng công trình khác với nội dung Giấy phép xây dựng đã được cấp, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh Giấy phép xây dựng trước khi thi công xây dựng công trình theo nội dung điều chỉnh. Nội dung khác biệt bao gồm:
Vị trí xây dựng công trình, cốt nền xây dựng công trình, các chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, diện tích xây dựng, tổng diện tích sàn, chiều cao công trình, số tầng (đối với công trình dân dụng) và những nội dung khác được ghi trong giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi thi công xây dựng công trình theo nội dung điều chỉnh. Những thay đổi khác thì không phải xin điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp.
5. Gia hạn giấy phép
Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng mà công trình chưa khởi công thì người xin phép xây dựng phải xin gia hạn giấy phép xây dựng.
6. Cấp lại giấy phép xây dựng
Giấy phép xây dựng được cấp lại trong trường hợp bị rách, nát hoặc bị mất.
7. Thu hồi, hủy giấy phép xây dựng
Giấy phép xây dựng bị thu hồi trong các trường hợp sau:
a) Giấy phép xây dựng được cấp không đúng quy định của pháp luật;
b) Chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau 10 ngày kể từ ngày có quyết định thu hồi giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu chủ đầu tư không nộp lại giấy phép xây dựng cho cơ quan đã cấp giấy phép thì cơ quan cấp giấy phép hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy giấy phép xây dựng và thông báo cho chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình xây dựng. Quyết định hủy giấy phép xây dựng được đăng trên trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng.
8. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng trong từng trường hợp cụ thể được quy định tại các Điều 95, 96, 97 Luật xây dựng 2014
Lưu ý: Một số công trình xây dựng được miễn giấy phép xây dựng được quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật xây dựng 2014
Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👈