Xử lý tình huống khi khối lượng phát sinh vượt giá gói thầu
Sau khi đã trúng thầu, nhiều gói thầu/hợp đồng phát sinh khối lượng dẫn tới phát sinh về giá trị thực hiện có thể làm vượt cả giá gói thầu thì chúng ta phải làm thế nào. Hãy cùng chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn.
Nguyên tắc điều chỉnh khối lượng bổ sung, phát sinh
Sau khi đấu thầu, lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng thì những vấn đề phát sinh sau khi ký hợp đồng thuộc tình huống quản lý hợp đồng, những nội dung này được quy định tại Luật Xây dựng 2013, nghị định số 68/2019/NĐ-CP và các hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thông thường các khối lượng bổ sung, phát sinh hay nằm trong các gói thầu xây lắp (Đố với các gói thầu thiết bị thì ngay từ lúc mời thầu số lượng và chủng loại gần như đã rõ ràng và cố định; Gói thầu tư vấn thì nếu có phát sinh thì phát sinh ngoài phạm vi công việc được giao, khi đó hướng xử lý phải điều chỉnh bổ sung là đương nhiên; Gói thầu phi tư vấn thì phụ thuộc vào từng loại hình, đa phần cũng gần tương tự gói thầu mua sắm hàng hóa và tư vấn), các gói thầu xây lắp khi ký hợp đồng và triển khai thường xuyên có những công việc liên quan phát sinh khối lượng dẫn tới điều chỉnh hợp đồng, từ đây cũng phát sinh nhiều vấn đề pháp lý nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới không quyết toán được hợp đồng, thậm chí dẫn đến sai phạm bị khiển trách hoặc chịu trách nhiệm hình sự như những vụ án gần đây báo chí hay đưa tin.
Về nguyên tắc điều chỉnh giá trong hợp đồng xây dựng được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016, cụ thể:
2. Giá hợp đồng sau Điều chỉnh (bao gồm cả khối lượng công việc phát sinh hợp lý ngoài phạm vi hợp đồng đã ký) không vượt giá gói thầu được phê duyệt (bao gồm cả chi phí dự phòng của gói thầu đó) thì Chủ đầu tư được quyền quyết định Điều chỉnh; trường hợp vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư chấp thuận trước khi Điều chỉnh.
Phân tích 2 trường hợp phát sinh
Trường hợp thứ nhất: Phát sinh không vượt giá gói thầu
Việc này liên quan ngay từ lúc lập dự toán gói thầu và lập hồ sơ mời thầu, vì đa số các gói thầu xây lắp đều có phần dự phòng. Chi phí dự phòng bao gồm: chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có). Việc xác định chi phí dự phòng thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quản lý chi phí xây dựng công trình và đặc thù của gói thầu. Chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, thời gian, địa điểm thi công của gói thầu và những yếu tố liên quan khác để quyết định việc sử dụng chi phí dự phòng nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành về quản lý chi phí xây dựng công trình. Cụ thể:
- Đối với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng vào trong giá dự thầu; không tách riêng phần chi phí dự phòng mà nhà thầu đã phân bổ trong giá dự thầu để xem xét, đánh giá trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại.
- Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, khi đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại thì chi phí dự phòng sẽ không được xem xét, đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Chi phí dự phòng sẽ được chuẩn xác lại trong quá trình thương thảo hợp đồng. Giá trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm chi phí dự phòng; phần chi phí dự phòng này do chủ đầu tư quản lý và chỉ được sử dụng để thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng khi có phát sinh.
Đối với những trường hợp nêu trên, nếu việc phát sinh không làm vượt dự toán gói thầu được duyệt thì Chủ đầu tư hoàn toàn có thể căn cứ vào các hồ sơ pháp lý liên quan trong quá trình thực hiện hợp đồng để tiến hành ký kết bổ sung khối lượng, giá trị công việc vào phụ lục hợp đồng. Khi ký kết cần lưu ý theo Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 07/2016/TT-BXD :
3. Khi ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng, các bên cần xác định rõ khối lượng công việc bổ sung, phát sinh và đơn giá áp dụng. Khối lượng công việc bổ sung, phát sinh phải được các bên thống nhất trước khi thực hiện.
Trường hợp thứ hai: Phát sinh vượt giá gói thầu
Đối với phát sinh vượt giá gói thầu thì lúc đó cần phải lưu tâm đến hai nhóm vấn đề:
- Thứ nhất, việc phát sinh có làm vượt tổng mức đầu tư hay không. Khi phát sinh vượt tổng mức đầu tư của dự án thì thủ tục sẽ phức tạp hơn rất nhiều, khi đó dự án cần điều chỉnh tổng mức đầu tư, thẩm định lại hiệu quả kinh tế của dự án, Người quyết định đầu tư phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thì mới có cơ sở để phê duyệt điều chỉnh dự toán cho gói thầu đó > Tiến hành ký bổ sung khối lượng, giá trị phát sinh > Triển khai thực hiện. Các thủ tục để triển khai sẽ mất nhiều thời gian, các thủ tục hành chính khác.
- Thứ hai, việc phát sinh không làm vượt tổng mức đầu tư. Khi đó do dự án có nguồn dự phòng trong tổng mức đầu tư, khi đó chỉ cần điều chỉnh lại cơ cấu trong tổng mức đầu tư của dự án (Lưu ý trường hợp phát sinh này không thay đổi mục tiêu, quy mô, vị trí của dự án) thì Người quyết định đầu tư phê duyệt điều chỉnh dự án (điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư) > Phê duyệt điềuchỉnh dự toán cho gói thầu đó > Tiến hành ký bổ sung khối lượng, giá trị phát sinh > Triển khai thực hiện.
Bài viết được thực hiện sau khi nghiên cứu trên các cơ sở pháp lý sau:
+ Luật xây dựng 2014
+ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP
+ Nghị định số 68/2019/NĐ-CP
+ Thông tư số 07/2016/TT-BXD
+ Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT
Bài viết liên quan cùng lĩnh vực tại Hồ sơ xây dựng
- Các căn cứ và quy định xử lý khối lượng phát sinh
- Hướng dẫn làm thanh toán khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng theo giai đoạn
- Biên bản xác nhận khối lượng phát sinh công trình
- Các bước xử lý khối lượng phát sinh trong thực tế
- Xử lý tình huống khi khối lượng phát sinh vượt giá gói thầu
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng Hồ sơ xây dựng. Chúc các bạn thành công !
Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👈