Các bước lập dự án đầu tư xây dựng công trình

Quá trình hình thành và thực hiện một dự án đầu tư được trải qua ba giai đoạn: chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư; kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng. Lập dự án đầu tư chỉ là một phần việc của quá trình chuẩn bị đầu tư. Quá trình này bao gồm các nội dung: lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình và xin phép đầu tư hoặc Lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình.

Các dự án quan trọng quốc gia phải lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình để trình Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư; các dự án nhóm A không phân biệt nguồn vốn phải lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư.

Khi đầu tư xây dựng công trình, Chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án để làm rõ về sự cần thiết phải đầu tư và hiệu quả đầu tư xây dựng công trình, trừ trường hợp công trình chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình và các công trình xây dựng là nhà ở riêng lẻ của dân.

Chủ đầu tư không phải lập dự án mà chỉ lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình để trình người quyết định đầu tư phê duyệt đối với các trường hợp sau:

– Công trình xây dựng cho mục đích tôn giáo;

– Công trình cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới trụ sở cơ quan có tổng mức đầu tư dưới ba tỷ đồng;

– Các dự án hạ tầng xã hội có tổng mức đầu tư dưới bẩy tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách không nhằm mục đích kinh doanh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch xây dựng và đã có chủ trương đầu tư hoặc đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư hàng năm.

1. Lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình và xin phép đầu tư

« Nội dung Báo cáo đầu tư xây dựng công trình

Ÿ Nội dung Báo cáo đầu tư xây dựng công trình bao gồm:

– Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng công trình, các điều kiện thuận lợi và khó khăn, chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia (nếu có);

– Dự kiến quy mô đầu tư: công suất, diện tích xây dựng; các hạng mục công trình chính, công trình phụ và các công trình khác; dự kiến về địa điểm xây dựng công trình và nhu cầu sử dụng đất;

– Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; các điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư nếu có; các ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, sinh thái, phòng chống cháy nổ, an ninh quốc phòng;

– Hình thức đầu tư, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, thời hạn thực hiện dự án, phương án huy động vốn theo tiến độ và hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án và phân kỳ đầu tư nếu có.

« Xin phép đầu tư xây dựng công trình

– Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Báo cáo đầu tư xây dựng công trình tới Bộ quản lý ngành. Bộ quản lý ngành là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương liên quan, tổng hợp và đề xuất ý kiến trình Thủ tuớng Chính phủ.

– Thời hạn lấy ý kiến:

+ Trong vòng năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được Báo cáo đầu tư xây dựng công trình, Bộ quản lý ngành phải gửi văn bản lấy ý kiến của các bộ ngành địa phương liên quan.

+ Trong vòng ba mươi ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong vòng bẩy ngày sau khi nhận được văn bản trả lời theo thời hạn trên, Bộ quản lý ngành phải lập Báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ.

– Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Tóm tắt nội dung báo cáo đầu tư xây dựng công trình, tóm tắt ý kiến các Bộ ngành và đề xuất ý kiến về việc cho phép đầu tư xây dựng công trình kèm theo bản gốc văn bản ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

2. Lập dự án đầu tư xây dựng công trình

« Nội dung của dự án đầu tư xây dựng công trình

Nội dung của dự án đầu tư xây dựng công trình gồm hai phần: thuyết minh dự án và thiết kế cơ sở

A/ Nội dung của thuyết minh dự án gồm

1. Sự cần thiết và mục tiêu đầu tư; đánh giá nhu cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm đối với dự án sản xuất, kinh doanh; hình thức đầu tư xây dựng công trình; địa điểm xây dựng, nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu và các yếu tố đầu vào khác.

Ÿ Để chứng tỏ sự cần thiết phải đầu tư cần nêu rõ những căn cứ cơ bản sau đây:

Các căn cứ pháp lý

Căn cứ lập dự án khả thi bao gồm:

– Nguồn gốc và các tài liệu sử dụng,

– Tài liệu quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, của địa phương.

– Quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành,

– Dự án tiền khả thi được duyệt (đối với dự án có bước nghiên cứu tiền khả thi).

– Các thông tư văn bản của cấp có thẩm quyền liên quan đến yêu cầu lập dự án đầu tư.

Căn cứ kinh tế kỹ thuật

– Các căn cứ về nhu cầu thị trường:

Căn cứ vào kết quả điều tra kinh tế – kỹ thuật và dự báo về khả năng cung cấp và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mà dự án đầu tư dự kiến sản xuất ra trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

Các số liệu điều tra, dự báo cần xác định được: Khả năng sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm cho thị trường, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường từ đó cân đối giữa khả năng sản xuất hoặc cung cấp với nhu cầu tiêu thụ ta xác định được nhu cầu thị trường cần cung cấp loại sản phẩm mà dự án dự kiến sản xuất ra.

– Căn cứ về khả năng phát triển kinh tế, khả năng phát triển sản xuất trong tương lai.

Ÿ Lựa chọn hình thức đầu tư, quy mô đầu tư

– Xác định quy mô đầu tư, công suất hoặc khối lượng sản phẩm hàng năm mà dự án dự kiến sản xuất ra-

– Hình thức đầu tư ở đây chính là hình thức đầu tư xây dựng mới, đầu tư cải tạo nâng cấp công trình hiện có.

Cần đưa ra tất cả các phương án về quy mô đầu tư và hình thức đầu tư rồi từ đó so sánh lựa chọn phương án hợp lý.

Ÿ Các phương án vị trí, địa điểm xây dựng công trình

Cần nghiên cứu chi tiết để đưa ra các phương án có thể về địa điểm xây dựng công trình, không được bỏ sót phương án nào. Tùy thuộc vào mục đích phục vụ của dự án, điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội của khu vực nghiên cứu để phương án địa điểm đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, về mặt kinh tế và yêu cầu xã hội của dự án.

Khi nghiên cứu lựa chọn phương án địa điểm xây dựng công trình, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất đai trong khu vực.

Đối với các công trình đầu tư nếu đã có bước nghiên cứu tiền khả thi thì chỉ cần chọn địa điểm cụ thể. Cần đưa ra ít nhất hai phương án về địa điểm để so sánh và lựa chọn. Nhưng các phương án này phải thu nhập các số liệu điều tra cơ bản, tài liệu khảo sát đủ độ tin cậy. Mỗi phương án cần phân tích các điều kiện cơ bản như: điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và kỹ thuật, phân tích kinh tế và địa điểm, phân tích các lợi ích và ảnh hưởng tới xã hội.

Kết quả của bước này là so sánh lựa chọn được phương án vị trí, địa điểm xây dựng công trình hợp lý nhất về mặt kinh tế và kỹ thuật. Trường hợp có nhiều phương án cạnh tranh cần phải sử dụng chúng để phân tích ở các bước tiếp theo.

2. Mô tả về quy mô và diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình bao gồm công trình chính, công trình phụ và các công trình khác; phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ và công suất.

Ÿ Phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ

Phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ là nội dung chủ yếu và quan trọng trong toàn bộ nội dung của dự án. Cần đưa ra tất cả các giải pháp kiến trúc, giải pháp kỹ thuật, kết cấu của công trình tương lai để so sánh lựa chọn ra phương án hợp lý nhất. Các phương án về kiến trúc xây dựng là các phương án về hình dáng, không gian kiến trúc, các giải pháp tổng thể về mặt bằng, phối cảnh. Các phương án về kiến trúc của hạng mục công trình chủ yếu.

Các giải pháp về kỹ thuật kết cấu là các giải pháp về cấu tạo chi tiết từng bộ phận công trình và toàn bộ công trình.

Đối với các dự án công trình sản xuất kinh doanh (mhà máy, phân xưởng sản xuất…) Các giải pháp kỹ thuật công nghệ bao gồm:

– Các giải pháp về mặt bằng, không gian kiến trúc, vị trí khu làm việc, khu sản xuất, kho chứa, khu vực cung cấp điện, nước…, các giải pháp thiết kế về kỹ thuật, kết cấu, kích thước, công trình nhà làm việc, nhà xưởng, giải pháp bố trí hệ thống dây chuyền sản xuất.

– Các phương án công nghệ chính, quá trình sản xuất có thể chấp nhận. Mô tả phân tích đánh giá mức độ hiện đại, tính thích hợp kinh tế, các ưu việt và hạn chế của công nghệ lựa chọn (thông qua việc so sánh một số chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật như quy cách, chất lượng, năng suất, lao động giá thành, vệ sinh công nghiệp, điều kiện ứng dụng…)

– Nội dung chuyển giao công nghệ và sự cần thiết phải chuyển giao, giá cả, phương thức thanh toán, các điều kiện tiếp nhận chuyển giao, cam kết.

– Các giải pháp về công trình phụ trợ.

– Lựa chọn quy mô và phương án cung cấp nước, thoát nước cho sản xuất.

– Phương án giải quyết thông tin.

– Phương án vận chuyển bên ngoài (từng phương án cần mô tả cơ sở tính toán và lựa chọn, có sơ đồ kèm theo).

– Chi phí đầu tư hỗ trợ.

– Các phương án về thiết bị:

Các phương án về thiết bị cần nêu được các nội dung sau:

+ Danh mục thiết bị, chia ra thiết bị sản xuất chính, thiết bị phục vụ, thiết bị hỗ trợ, phương tiện vận chuyển, phụ tùng thay thế, dụng cụ thiết bị văn phòng.

+ Mô tả tính năng, thông số kỹ thuật, những đặc tính kỹ thuật chủ yếu, điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế, phương án lắp đặt, vận hành, đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật.

+ Phân tích phương án mua sắm công nghệ thiết bị của phương án chọn, các hồ sơ chào hàng so sánh, đánh giá về trình độ công nghệ, chất lượng thiết bị.

+ Xác định tổng chi phí mua sắm thiết bị và chi phí duy trì.

+ So sánh chi phí xác định phương án lựa chọn.

– Các giải pháp chống ô nhiễm bảo vệ môi trường sinh thái, điều kiện thực hiện và chi phí.

– Các giải pháp xử lý chất thải: loại chất thải, chất lượng, số lượng phế thải, các phương tiện xử lý, chi phí xử lý.

Kết quả của bước này là lựa chọn được phương án hợp lý nhất.

Nếu có nhiều phương án kỹ thuật cạnh tranh, cần phải sử dụng để tiếp tục phân tích ở các bước tiếp theo.

3. Các giải pháp thực hiện bao gồm

– Phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư và phương án hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật nếu có;

– Các phương án thiết kế kiến trúc đối với công trình trong đô thị và công trình có yêu cầu kiến trúc;

– Phương án khai thác dự án và sử dụng lao động;

– Phân đoạn thực hiện, tiến độ thực hiện và hình thức quản lý dự án.

Ÿ Phân tích phương án xây dựng và tổ chức thi công xây lắp

Các giải pháp xây dựng:

– Các phương án về tổ chức thi công xây dựng từng hạng mục công trình và toàn bộ công trình.

– Các phương án bố trí tổng mặt bằng thi công và phương án lựa chọn.

– Xác định nhu cầu nguồn lực (yêu cầu máy móc thiết bị thi công, nhân lực, nhu cầu vật tư…) và phương án cung cấp.

–  Các biện pháp phòng cháy chữa cháy, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động.

Ÿ Các giải pháp về tổ chức khai thác dự án và sử dụng lao động

– Đưa ra phương án tổ chức, các bộ phận sản xuất, bộ phận tiêu thụ sản phẩm xác định nhu cầu nguồn lực và thời kỳ huy động các nguồn lực cho sản xuất.

– Xác định các chi phí cho từng phương án bố trí sản xuất.

– So sánh lựa chọn phương án sản xuất.

4. Đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng, chống cháy, nổ và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

5. Tổng mức đầu tư của dự án; khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ; phương án hoàn trả vốn đối với dự án có yêu cầu thu hồi vốn; các chỉ tiêu tài chính và phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của dự án.

Ÿ Phân tích kinh tế, tài chính

a/ Phân tích kinh tế xã hội

Phân tích kinh tế xã hội của dự án bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

a1/ Xác định tổng vốn đầu tư cần thiết cho dự án:

Trên cơ sở phương án kỹ thuật, phương án tổ chức thi công xây lắp, phương án tổ chức sản xuất (tổ chức khai thác) ta có thể xác định được tổng mức đầu tư cho từng phương án.

Tổng mức đầu tư bao gồm toàn bộ những chi phí cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn chuẩn bị xây dựng và xây dựng để tạo nên thực thể công trình đủ điều kiện đi vào khai thác, chi phí cho giai đoạn khai thác vận hành, vốn lưu động để đảm bảo huy động dự án vào hoạt động sản xuất theo đúng mục tiêu đề ra.

a2/ Xác định nguồn vốn và các phương án về nguồn vốn:

– Nguồn vốn đầu tư cho dự án thường gồm các loại sau:

+ Vốn tự có của doanh nghiệp

+ Vốn ngân sách

+ Vốn vay (ngắn hạn, thời hạn, dài hạn; vốn vay trong nước, ngoài nước…) thời hạn và điều kiện vay trả lãi, các căn cứ, cơ sở, biện pháp bảo đảm nguồn vốn.

– Hình thức huy động vốn: Bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, bằng hiện vật, bằng tài sản (thiết bị, nguyên vật liệu, nhà xưởng,…).

– Tiến độ thực hiện chi phí vốn (huy động theo chương trình đầu tư).

a3/ Xác định các lợi ích kinh tế mà dự án đem lại:

Ở đây cần xác định đầy đủ những lợi ích mà dự án đem lại. Khi xác định lợi ích của dự án cần phân biệt rõ lợi ích ở đây được so sánh trong hai trường hợp: có dự án và không có dự án. Lợi ích kinh tế của dự án có nhiều loại, khi phân tích cần xác định đầy đủ các loại lợi ích, phân biệt rõ các loại lợi ích mà các chủ thể được hưởng.

Những lợi ích bao gồm: lợi ích trực tiếp, lợi ích gián tiếp, đem lại cho Chủ đầu tư, lợi ích mà xã hội được hưởng: lợi ích cho người sử dụng, lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài, lợi ích trong ngành, lợi ích ngoài ngành… Cần lưu ý rằng, các lợi ích lại có lợi ích có thể lượng hóa được (lợi ích tính được bằng tiền) và lợi ích không thể lượng hóa được bằng tiền (lợi ích về văn hóa, xã hội…). Để đơn giản tính toán, trong phần này người ta chỉ xác định những loại lợi ích chủ yếu có thể lượng hóa được.

a4/ Tính toán các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế xã hội của dự án:

Để đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án đầu tư xây dựng, thường sử dụng những chỉ tiêu chủ yếu như: NPV, T, IRR, B/C, …

a5/ Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của dự án

Dựa vào kết quả các chỉ tiêu trên và các mặt lợi ích khác để đánh giá, từ đó đi đến kết luận: Dự án có kha thi hay không về mặt kinh tế xã hội

b/ Phân tích tài chính của dự án (đây là phần được người viết nghiên cứu và đề cập kỹ trong chương 3)

B/ Nội dung thiết kế cơ sở của dự án

Nội dung phần thiết kế cơ sở của dự án phải thể hiện được giải pháp thiết kế chủ yếu, bảo đảm đủ điều kiện để xác định tổng mức đầu tư và triển khai các bước kế tiếp theo, bao gồm thuyết minh và các bản vẽ.

Ÿ Thuyết minh thiết kế cơ sở được trình bày riêng hoặc trình bày trên các bản vẽ để diễn giải thiết kế với các nội dung chủ yếu sau:

– Tóm tắt nhiệm vụ thiết kế; giới thiệu tóm tắt mối liên hệ của công trình với quy hoạch xây dựng tại khu vực; các số liệu về điều kiện tự nhiên, tải trọng và tác động; danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng.

– Thuyết minh công nghệ: giới thiệu tóm tắt phương án công nghệ và sơ đồ công nghệ; danh mục thiết bị công nghệ với các thông số kỹ thuật chủ yếu liên quan đến thiết kế xây dựng.

– Thuyết minh xây dựng:

+ Khái quát về tổng mặt bằng: giới thiệu tóm tắt đặc điểm tổng mặt bằng, cao độ và tọa độ xây dựng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các điểm đấu nối; diện tích sử dụng đất, diện tích xây dựng, diện tích cây xanh, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, cao độ san nền và các nội dung cần thiết khác.

+ Đối với công trình xây dựng theo tuyến: giới thiệu tóm tắt đặc điểm tuyến công trình, cao độ và tọa độ xây dựng, phương án xử lý các chướng ngại vật chính trên tuyến, hành lang bảo vệ tuyến và đặc điểm khác của công trình nếu có;

+ Đối với công trình có yêu cầu kiến trúc: giới thiệu tóm tắt mối liên hệ của công trình với quy hoạch xây dựng tại khu vực và các công trình lân cận; ý tưởng của phương án thiết kế kiến trúc; màu sắc công trình; các giải pháp thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường, văn hóa, xã hội tại khu vực xây dựng;

+ Phần kỹ thuật: Giới thiệu tóm tắt đặc điểm địa chất công trình, phương án gia cố nền, móng, các kết cấu chịu lực chính, hệ thống kỹ thuật và hạ tầng kỹ thuật của công trình, san nền, đào đắp đất; danh mục các phần mềm sử dụng trong thiết kế;

+ Giới thiệu tóm tắt phương án phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường;

+ Dự tính khối lượng các công tác xây dựng, thiết bị để lập tổng mức đầu tư và thời gian xây dựng công trình.

3. Lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật về đầu tư

Đối với công trình đầu tư có quy mô nhỏ, yêu cầu kỹ thuật giản đơn (có thể thiết kế mẫu, xử lý nền móng không phức tạp…) thì chỉ lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật về đầu tư thay cho dự án khả thi.

Báo cáo kinh tế – kỹ thuật về đầu tư được gọi tắt là “Báo cáo đầu tư” được áp dụng đối với dự án có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng, các dự án xây dựng, sửa chữa, bảo trì sửa chữa vốn sự nghiệp và các dự án của các ngành đã có thiết kế mẫu và tiêu chuẩn kỹ thuật được Bộ quản lý ngành phê duyệt trên cơ sở phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng hoặc kế hoạch trung và dài hạn.

« Nội dung của Báo cáo đầu tư

1. Căn cứ pháp lý và sự cần thiết đầu tư:

+ Ghi rõ các căn cứ pháp lý như các quyết định của cấp trên, kế hoạch đã được phê duyệt.

+ Giải trình tóm tắt lý do cần phải đầu tư công trình.

2. Tên dự án và hình thức đầu tư

Hình thức đầu tư cần được ghi rõ là xây dựng mới, cải tạo, mở rộng hay duy trì.

3. Chủ đầu tư

Ghi rõ tên cơ quan, đơn vị cá nhân làm Chủ đầu tư.

4. Địa điểm và mặt bằng

Ghi rõ tên Xã (hoặc đường phố, Phường) hoặc Huyện (Quận).

5. Khối lượng công việc

Khối lượng công việc đầu tư được ghi theo đơn vị thích hợp và được tính trên cơ sở định mức đơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành.

6. Vốn đầu tư và nguồn vốn

– Tổng số vốn đầu tư

– Nguồn vốn

+ Ngân sách cấp, trong đó phân rõ: vốn ngân sách Trung ương (nếu có nguồn tài trợ của nước ngoài cũng cần ghi rõ), vốn ngân sách địa phương.

+ Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước.

+ Các nguồn vốn khác (nguồn vốn huy động từ các chủ phương tiện, của tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, của nhân dân đóng góp…).

7. Thời gian khởi công và hoàn thành

Đối với các dự án sản xuất kinh doanh, ngoài những nội dung nêu trên, cần bổ sung:

– Sản phẩm, (dịch vụ) và quy mô công suất.

– Thiết bị (ghi rõ giá trị và nguồn cung cấp).

– Nguồn cung cấp nguyên liệu, vật liệu.

– Khả năng trả nợ (nếu có vốn vay) và thời hạn hoàn vốn.

– Biện pháp bảo vệ môi trường (nếu có dự án tác động xấu tới môi trường).

Đối với các dự án có quy mô đầu tư dưới 100 triệu đồng, tùy theo yêu cầu của dự án, không nhất thiết phải nêu chi tiết các mục ghi trên.

Bạn không biết Tải Tài Liệu như thế nào ? 👉 Xem Cách Tải 👈

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *